

6 bước để làm Dropshipping thành công
Dropshipping đang là mô hình kinh doanh cực kỳ phổ biến trên thế giới. Với những ưu điểm nổi bật, mô hình này ngày càng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người có đam mê kinh doanh đặc biệt là những bạn trẻ khát khao khởi nghiệp mà không có quá nhiều vốn.
Vậy những người tham gia kinh doanh theo mô hình này đã thành công như thế nào mà khiến nó lại sức hút mạnh mẽ đến vậy. Dưới đây là 6 bước để có thể thành công khi làm một Dropshipper.
1. Chọn thị trường ngách phù hợp
Để có thể chọn được một thị trường ngách phù hợp với bản thân, trước hết bạn hãy tập trung vào những sản phẩm bạn yêu thích. Nếu sản phẩm đó bạn không có hứng thú, không có sự đam mê tìm hiểu về giá trị của nó thì bạn sẽ dễ bị nản lòng đặc biệt là khi mới bắt đầu và chưa được khách hàng tiếp cận. Tiếp theo, cần phải quan tâm đến những vấn đề sau:
- Lợi nhuận cao: Bạn chính là người quyết định mức lợi nhuận của mình, vì vậy không được lơ là việc này. Sau khi đã tính toán được về chi phí bạn phải chịu (thông thường Dropshipper sẽ chỉ phải tốn những khoản phí về quảng cáo) bạn hãy quyết định mức giá mà bạn tung ra thị trường. Để tối đa hóa lợi nhuận, tìm đến những nhà cung cấp có giá thành rẻ và chính sách tốt sẽ là lựa chọn tối ưu, nhưng nên nhớ vẫn phải đảm bảo cho chất lượng sản phẩm của bạn.
- Chắc chắn rằng sản phẩm của bạn hấp dẫn và mọi người đang tích cực tìm kiếm nó: Bạn muốn tăng tỷ lệ chuyển đổi trên gian hàng điện tử của bạn, vậy hãy cố gắng chứng minh được sức hấp dẫn của sản phẩm, xác định chiến lược định vị đúng trọng tâm, đúng thứ mà khách hàng đang mong muốn.
Bạn nên sử dụng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khóa như KWFinder, Google Keyword Planner,… Những công cụ này giúp bạn xác định từ khóa bạn đang chuẩn bị tối ưu hóa có đang được nhiều người tìm kiếm trên Google hàng tháng không. Đây là những gợi ý cho bạn về nhu cầu khách hàng hiện tại đối với sản phẩm. Bạn có thể nghiên cứu từ khóa và xu hướng tìm kiếm để lên chiến lược từ khóa hợp lý cho những sản phẩm đã có mặt trên thị trường.
Quan trọng, khi tìm kiếm ngách sản phẩm trên những sàn thương mại điện tử, bạn đặc biệt phải quan tâm đến doanh số bán hàng của những gian hàng trên đó. Những con số ấy sẽ nói lên được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường là cao hay thấp.
- Sản phẩm có chi phí vận chuyển thấp: Mặc dù việc vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng sẽ do nhà cung cấp của bạn lo liệu, nhưng nếu phí vận chuyển quá cao sẽ gây trở ngại lớn khi khách hàng ra quyết định mua. Vì vậy hãy quan tâm đến những mặt hàng dễ dàng vận chuyển, cố gắng giảm trừ chi phí đó cho khách hàng (cũng có thể cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ một phần phí giao hàng).
Như vậy sẽ tạo được điểm cộng đối với khách hàng, bởi họ có thể sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua món hàng đó nhưng vài chục ngàn phí giao hàng lại khiến họ đắn đo.
Đây cũng là chiến thuật nhằm thúc đẩy doanh số, tăng khả năng mua lặp lại của người tiêu dùng.
2. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Hãy dành thời gian để nghiên cứu về trang web của đối thủ, quan sát cách họ truyền thông và xây dựng hình ảnh như thế nào. Họ thành công và thất bại ở đâu để rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình.
Quan tâm đến xếp hạng, doanh số, phản hồi của khách hàng, mức độ tương tác của họ đối với khách hàng và khách hàng đang nói gì về họ. Từ những dữ liệu này, bạn sẽ có thể phân tích những khía cạnh mà đối thủ chưa đáp ứng được và biến nó thành cơ hội kinh doanh cho mình.
3. Tìm kiếm nhà cung cấp uy tín
Việc bạn chọn nhà cung cấp sai có thể hủy hoại công việc kinh doanh của bạn ngay từ khi mới bắt đầu. Vì vậy hãy cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng những nhà cung cấp đảm bảo được các tiêu chí:
- Có đại diện bán hàng: Một nhà cung cấp chuyên nghiệp không chỉ có kinh nghiệm xử lý các đơn hàng và các trường hợp ngoài mong muốn khi thực hiện Dropshipping mà còn có thể hỗ trợ đối tác kịp thời khi họ có thắc mắc. Vì vậy, khi nhà cung cấp có đại diện bán hàng, những vấn đề phát sinh của bạn sẽ được giải đáp nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Có sản phẩm chất lượng cao: Nếu sản phẩm của bạn không tốt, nguy cơ khách hàng trả lại sản phẩm là rất cao hoặc nếu không thì tỉ lệ mua lặp lại cũng rất thấp, điều này sẽ mang lại thiệt hại lớn cho bạn. Chỉ khi sản phẩm của bạn đủ chất lượng mới lấy được sự hài lòng của khách hàng, khi đó việc kinh doanh của bạn mới có ý nghĩa.
- Xử lý giao hàng đúng hẹn và hiệu quả trong quá trình vận chuyển: Nếu tốc độ gửi hàng giao động từ 24-48 giờ, đây có thể là nhà cung cấp tốt. Khi áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao, thời gian trả hàng quá lâu có thể ảnh hưởng đến mức độ hài lòng và tỉ lệ mua hàng lặp lại của khách hàng. Lời khuyên là bạn nên đặt thử một đơn hàng với nhà cung cấp bạn đã chọn lọc để quan sát quy trình hoạt động của họ như thế nào.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như vũ bão như hiện nay, không quá khó để bạn có thể tìm được nhà cung cấp tốt. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu để chọn ra nhà cung cấp tốt nhất và đưa ra những thương lượng với họ. Những câu hỏi bạn cần hỏi người đối tác tương lai của mình là: mức giá, chính sách, những chi phí bạn phải bỏ ra, nhà cung cấp có đại diện bán hàng hay không và sản phẩm được bảo hành như thế nào?
Bạn cũng có thể tự tìm hiểu và thăm dò về nhà cung cấp đó. Trên internet có nhiều công cụ giúp bạn kiểm tra thông tin trang web là nhà cung cấp của bạn để giúp bạn dễ dàng kiểm chứng những thông tin mà họ đã công bố với khách hàng. Bạn cũng có thể kiểm tra được “tuổi” của trang web đó, nếu là một cái tên khá mới thường sẽ không phải sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm kiếm những đánh giá, phản hồi của khách hàng về chất lượng phục vụ của nhà cung cấp, nó sẽ cho bạn thấy hiệu quả kinh doanh của họ, giúp bạn đi đến quyết định có hợp tác hay không?
4. Xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử của bạn
Sau khi đã quyết định được mặt hàng và lựa chọn được nhà cung cấp, việc cần làm tiếp theo là lựa chọn một nơi để bắt đầu. Lời khuyên cho bạn là nên bắt đầu trên những sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada bởi đây là những sàn nổi tiếng của Việt Nam, làm việc chuyên nghiệp, có chính sách giải quyết những vấn đề phát sinh nhanh chóng, rõ ràng.
Vấn đề còn lại là đăng bán sản phẩm, tối ưu hóa hoạt động của shop và đợi những đơn hàng đầu tiên.
5. Khiến khách hàng mua lặp lại
Dù sản phẩm có chất lượng, gian hàng có chuyên nghiệp mà không có khách hàng thì tất cả chỉ là con số không. Vì vậy bạn phải có chiến lược thu hút khách hàng đến với bạn. Đây cũng không phải là một vấn đề quá khó khăn, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin bạn hoàn toàn dễ dàng tiếp cận được đối tượng khách hàng tiềm năng bằng các công cụ chạy quảng cáo như Facebook Ads, Google Ads…
Điều này cho phép bạn tạo ra doanh số và doanh thu ngay từ đầu, góp phần mở rộng quy mô nhanh chóng, tăng khả năng cạnh tranh với các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn nhất ngay lập tức.
Khi đã có được những vị khách hàng đầu tiên, bạn hãy dồn hết sự quan tâm của mình vào họ vì họ chính là người sẽ đánh giá sản phẩm và chất lượng phục vụ của bạn, tạo niềm tin cho những khách hàng kế tiếp. Hơn nữa, khi bạn tạo được ấn tượng tốt, khả năng khách hàng có nhu cầu quay lại mua hàng của bạn là rất cao.
6. Phân tích và tối ưu hóa
Bạn cần theo dõi tất cả những dữ liệu và số liệu thu thập được như: lượt truy cập, lượt xem hàng,tỷ lệ chuyển đổi… để biết khách hàng biết đến bạn từ đâu, họ có nhu cầu như thế nào. Điều này giúp bạn dễ dàng tối ưu hơn nữa, trong quá trình phát triển bạn sẽ biết những gì hiệu quả nên phát huy và điều gì là vô tác dụng.
Trên đây là 6 bước để trở thành một nhà kinh doanh Dropshipping hiệu quả. Hy vọng những điều mình chia sẻ trên có thể giúp bạn phát triển mô hình của mình. Cuối cùng, chúc bạn sẽ thành công với vai trò là một Dropshipper.
Xem thêm: 16 nền tảng Dropshipping thời trang uy tín nhất