

Dropshipping là gì? Các bước kiếm tiền với Dropship
Xu hướng kiếm tiền online đang ngày càng phổ biến ngày nay. Nếu bạn đã từng tìm hiểu về MMO (kiếm tiền online) chắc hẳn cũng đã nghe tới hình thức kiếm tiền với Dropshipping – một hình thức kiếm tiền online hiệu quả và bền lâu. Vậy Dropshipping là gì? Ưu nhược điểm của hình thức kiếm tiền này là gì? Tiềm năng kiếm tiền với hình thức này ra sao? Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời trong bài viết này nhé.
Dropshipping là gì?
Dropshipping là mô hình kinh doanh online cho phép cửa hàng trực tuyến được vận hành mà không cần phải nhập hàng, lưu trữ hàng hóa cũng không cần xử lý đơn hàng (chốt đơn, đóng hàng, gửi hàng,….). Dropshipping được đánh giá là một mô hình kinh doanh hiệu quả, luôn có sự cải tiến và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới.
Mô hình kinh doanh này được cho là phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng…những người có khá nhiều thời gian rảnh và mong muốn tìm được một công việc bán thời gian. Khi tham gia vào mô hình này dưới danh nghĩa người bán hàng sẽ được gọi là một Dropshipper.


Mô hình Dropship
Về cụ thể, mô hình này được hoạt động như sau: Nhà bán lẻ – Dropshipper muốn bắt đầu sẽ phải tự chủ động liên hệ với các nhà cung cấp sản phẩm, nơi cho phép dropshipping, để thương lượng về chính sách đối với dropshipping và ký kết hợp đồng làm việc.
Sau khi đã thống nhất về quy trình làm việc, Dropshipper sẽ thiết kế gian hàng trực tuyến của mình có thể trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram hay các sàn thương mại điện tử hoặc cũng có thể mở rộng kinh doanh trên tất cả các “mặt trận”.
Đợi đến khi gian hàng đi vào hoạt động và có đơn hàng, nhà bán lẻ sẽ chuyển thông tin đơn hàng cho nhà cung cấp để đơn hàng được xử lý và giao đến tay khách hàng dưới thông tin của nhà bán lẻ.
Lợi nhuận mà nhà bán lẻ được hưởng chính là phần chênh lệch giữa giá mà họ quyết định bán và giá mà đã thương lượng được với bên cung cấp sau khi đã trừ đi các chi phí như phí giao hàng hay phí giao dịch.
Đây là một quá trình diễn ra vô hình vì vậy mà người mua hàng sẽ không biết đơn hàng đến tay họ đã trải qua những giai đoạn như thế nào.
Tuy nhiên, dù bạn kinh doanh dưới hình thức nào thì cũng tồn tại những ưu và nhược điểm riêng, mô hình Dropshipping cũng vậy, dưới đây chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về những lợi thế cũng như những vấn đề bất cập của mô hình này để bạn có cái nhìn toàn diện trước khi quyết định bắt đầu.
Ưu nhược điểm của Dropshipping
Ưu điểm
- Không cần nhiều vốn
Bạn có thể bắt đầu kinh doanh ngay mà không cần nhiều vốn để nhập hàng và lưu kho hàng hóa. Các hình thức kinh doanh truyền thống hầu như đều yêu cầu bạn phải bỏ ra khoản vốn lớn ban đầu để lưu kho hàng hóa.
Với mô hình Dropshipping, bạn không cần đặt hàng hóa trừ khi khách hàng đã đặt hàng và thanh toán.
- Dễ dàng bắt đầu
Bắt đầu một công việc kinh doanh với dropshipping sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các công việc kinh doanh thông thường bởi nó không yêu cầu bạn phải có mặt bằng, cửa hàng và lưu kho hàng hóa vật chất. Bạn cũng không cần phải lo lắng những công việc như:
– Quản lý hoặc trả tiền thuê kho hàng
– Đóng gói và vận chuyển các đơn hàng
– Theo dõi hàng tồn kho trên sổ sách
– Xử lý tờ khai và các lô hàng trong nước
– Đặt hàng mới và quản lý hàng tồn kho
- Chi phí thấp
Với đặc thù không cần lưu kho và quản lý hàng hóa, công việc kinh doanh với dropshipping sẽ không khiến bạn phải tốn quá nhiều chi phí. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp dropship thành công chỉ với văn phòng ngay tại nhà và với một chiếc laptop kết nối mạng và tiêu ít hơn 100$ mỗi tháng. Tuy nhiên, chi phí này cũng sẽ tăng lên khi doanh nghiệp của bạn lớn hơn, nhưng chi phí vận hành chắc chắn vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường.
- Địa điểm linh hoạt:
Một doanh nghiệp dropship có thể di chuyển đến bất cứ địa điểm nào chỉ với một thiết bị có kết nối internet, miễn là bạn có thể tương tác, liên lạc với nhà cung cấp và khách hàng một cách dễ dàng.
- Dễ dàng mở rộng quy mô
Thông thường, một doanh nghiệp kinh doanh bình thường phải đầu tư thời gian, nhân lực, vốn gấp nhiều lần nếu muốn tăng hiệu quả kinh doanh thêm nhiều lần. Tuy nhiên, một doanh nghiệp dropship có thể tận dụng các nhà cung cấp sản phẩm dropship để xử lý những đơn hàng bổ sung. Do đó, người làm dropship có thể tăng hiệu quả kinh doanh thêm nhiều lần mà chỉ cần bỏ ra ít công sức hơn, đặc biệt là bạn có thể không cần bận tâm nhiều đến khâu dịch vụ khách hàng.
Nhược điểm
- Lợi nhuận thấp
Bởi thị trường dropshipping có sức cạnh tranh vô cùng lớn do đó bạn cũng phải cân nhắc rất nhiều về giá. Nếu giá cả của bạn không có sức cạnh tranh, bạn rất khó để phát triển kinh doanh, điều đó dẫn đến hệ quả là lợi nhuận của bạn cũng không được cao. Khi các đối thủ của bạn gia nhập ngành và họ có chiến lược để tối ưu chi phí vận hành, họ sẽ có được mức giá bán cạnh tranh trên thị trường. Bài toán đặt ra cho bạn là cần phải tối ưu chi phí và thiết lập mức giá cạnh tranh để vẫn đảm bảo có lãi.
- Các vấn đề tồn kho
Vì đặc thù của kinh doanh dropshipping là bạn nhập hàng từ rất nhiều nguồn hàng, nhiều thương nhân khác nhau, do đó bạn sẽ rất khó để kiểm soát và theo dõi các mặt hàng còn hay đã xuất kho. Cũng có một vài cách giúp bạn đồng bộ tất cả hàng tồn kho của mình với tất cả nhà cung cấp, tuy nhiên, các giải pháp này không phải dễ dàng để thực hiện và không phải nhà cung cấp nào cũng hỗ trợ công nghệ cho bạn.
- Vận chuyển phức tạp
Nếu bạn lấy hàng hóa từ nhiều nguồn hàng và nhiều nhà cung cấp khác nhau, điều này sẽ khiến việc vận chuyển hàng hóa của bạn đến khách hàng trở nên phức tạp hơn. Nếu một khách hàng đặt đơn hàng gồm 3 sản phẩm khác nhau và bạn phải nhập từ 3 nguồn hàng khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc bạn phải chịu phí vận chuyển cho cả 3 sản phẩm này vì rất khó để yêu cầu khách hàng chịu phí vận chuyển cho 3 sản phẩm trên cùng 1 đơn hàng. Và ngay cả khi bạn muốn thu phí vận chuyển trên mỗi sản phẩm, việc tự động hóa những tính toán này cũng là điều khó khăn.
- Lỗi từ nhà cung cấp
Nếu không may bạn đặt hàng từ một nhà cung cấp không uy tín, hàng hóa bạn gửi cho khách có lỗi thì người chịu trách nhiệm cho sai hỏng ấy lại chính là bạn.
Ngay cả những nhà cung cấp dropshipping tốt nhất vẫn phạm sai lầm khi hoàn thành một đơn đặt hàng – những sai lầm mà họ sẽ phải chịu trách nhiệm và xin lỗi. Nhà cung cấp không mấy tên tuổi và chất lượng kém thậm chí có thể gây ra các lỗi nghiêm trọng như mất hàng, hỏng hàng và đóng gói kém chất lượng, điều này sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp của bạn.
Dropshipping phù hợp với ai?
Câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Ngoài những người dành fulltime để làm dropshipping và coi đó công việc chính để tạo thu nhập thì có những đối tượng vẫn phù hợp để làm dropshipping và biến nó trở thành nghề tay trái giúp gia tăng thu nhập cho cá nhân. 3 nhóm người sau được đánh giá là phù hợp để làm công việc dropshipping này.
-
Nhóm 1: Dân Văn Phòng
Dân văn phòng thường có 2-3 tiếng rảnh rỗi mỗi ngày và có thể tìm thêm nguồn thu nhập khác ngoài lương. Công việc dropship sẽ cực kỳ phù hợp với họ. Khi bạn đã có thu nhập nhỏ, bạn có thể quyết định tiếp tục phát triển doanh thu lớn hơn nữa và dành thời gian nhiều hơn vào nó hay duy trì để có thêm một khoản thu nhập vừa phải. Có rất nhiều người đã quyết định nghỉ công việc nhàm chán để dành toàn thời gian cho công việc dropshipping. Còn bạn thì sao?
-
Nhóm 2: Sinh Viên
Sinh viên là những người có cực kỳ nhiều thời gian rảnh rỗi. Đạc biệt dropship cũng rất hợp với họ vì vốn ban đầu thường phải bỏ ra rất ít, thậm chí không cần bỏ vốn. Bạn chỉ cần bỏ thời gian để học hỏi, tìm tòi và thử nghiệm thật nhiều. Bạn sẽ học được rất nhiều kiến thức mới lạ và bổ ích thay vì lãng phí thời gian cho những thứ như game hay phim ảnh. Hơn nữa, bạn cũng có thể kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học và chi phí sinh hoạt của mình.
-
Nhóm 3: Những người bắt đầu bước chân vào Kinh doanh online
Khi bạn mới bắt đầu công việc kinh doanh, bạn cần tích lũy cho mình rất nhiều kiến thức như thị trường, nguồn hàng, ship hàng, kiến thức marketing online,… và dropship chính là công việc giúp bạn trang bị những kiến thức đó một cách thực tế nhất. Tính lũy kiến thức với dropship cũng giúp bạn có hành trang chinh phục những thị trường lớn và thử thách hơn.
Các bước kiếm tiền với Dropshipping
Bước 1: Lựa chọn thị trường ngách và nhà cung cấp sản phẩm
– Lựa chọn thị trường ngách thông minh: Lựa chọn thị trường ngách hiệu quả giúp công việc kinh doanh của bạn thuận lợi hơn. Khi bạn bán một dạng sản phẩm nhất định, hình ảnh về cửa hàng của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn và bạn cũng có thời gian để đào sâu vốn kiến thức về lĩnh vực đó. Từ đó có thể thấu hiểu khách hàng hơn và biết cách để làm hài lòng các thượng đế của mình.
Nếu chưa biết lựa chọn sản phẩm như thế nào, bạn có thể bắt đầu với những sản phẩm là thế mạnh, sở thích của mình hoặc là những nhu yếu phẩm, những mặt hàng có lượng tiêu thụ cao, cầu thị trường luôn lớn.
– Lựa chọn nhà cung cấp uy tín: Bạn có thể tìm kiếm các nhà cung cấp uy tín trên các nền tảng cho phép Dropshipping hoặc các sàn thương mại điện tử lớn. Bạn có thể tham khảo các nhà cung cấp từ các nền tảng nổi tiếng trên thế giới như Aliexpress, Shopify, Dropship Direct… Tại thị trường Việt Nam cũng có một số đơn vị cung cấp giải pháp này là Netsale. Pingo… Hoặc cũng có thể tìm kiếm trên các sàn như Shopee, Lazada, Tiki – đây là ba “ông lớn” đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử của Việt Nam.
Bạn nên đầu tư thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng về các nhà cung cấp trước khi ra quyết định làm việc với ai. Việc bạn chọn lầm nhà cung cấp có thể hủy hoại công việc kinh doanh của bạn ngay từ khi mới bắt đầu.
Những vấn đề bạn cần phải quan tâm khi đàm phán với nhà cung cấp đó là: đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng như đã cam kết; một mức giá có lợi nhất cho bạn; chính sách cho Dropshipping; những hình thức vận chuyển cho khách hàng.
Bước 2: Lựa chọn kênh bán hàng
– Nền tảng để giúp bạn bắt đầu có thể là các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo; các nền tảng như Netsale, Pingo,… hoặc cũng có thể khởi đầu ở các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Shopee, Tiki, Lazada. Ngoài ra, nếu bạn muốn thử sức mình ở những thị trường sôi động hơn thì cũng có thể đăng bán sản phẩm lên store của các trang lớn như Amazon, Ebay hoặc trên website riêng thông qua Shopify…
– Dù mở store ở đâu bạn cũng nên hoạt động trên những nền tảng có phong cách làm việc chuyên nghiệp, có chính sách giải quyết những vấn đề phát sinh nhanh chóng, rõ ràng. Quan trọng, đó còn phải là nơi giúp bạn có thể dễ dàng theo dõi hiệu quả hoạt động của shop với các lượt truy cập, tỷ lệ chuyển đổi, số lượng tổng đơn hàng đã bán. Đặc biệt còn so sánh được các số liệu của hôm qua với hôm nay, tháng trước với tháng này để bạn nhận ra được điểm mạnh cần phát huy cũng như điểm yếu cần khắc phục.
Bước 3: Bán hàng
– Khách hàng sẽ tìm đến store của bạn, nếu sản phẩm của bạn thực sự ấn tượng với họ, họ sẽ mua chúng và trả tiền cho bạn.
– Nếu bạn kinh doanh trên sàn TMĐT hay các mô hình kinh doanh theo hệ thống, khách hàng có thể lựa chọn hai hình thức thanh toán: thanh toán khi nhận hàng, thanh toán qua ví điện tử. Dù là ở hình thức nào, chỉ khi khách hàng bấm chọn đã nhận được hàng và không có nhu cầu đổi / trả thì số tiền đó mới được hệ thống chuyển về tài khoản của bạn.
– Ngoài ra, nếu bạn lựa chọn hình thức kinh doanh tự do hơn như trên trang cá nhân, fanpage của các nền tảng mạng xã hội, hình thức thanh toán sẽ do bạn và người mua thương lượng với nhau.
Bước 4: Mua hàng và gửi hàng cho khách
– Sau khi khách hàng đã chốt đơn, bạn có trách nhiệm liên hệ với nhà cung cấp để họ xử lý đơn hàng và chuyển đến tay khách hàng của bạn. Ở bước này bạn cần lưu ý về sự rõ ràng của thông tin đơn hàng để tránh gặp phải những sai sót không đáng có làm ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng và gây mất điểm trong mắt khách hàng.
– Người mua luôn muốn được nhận sản phẩm càng sớm càng tốt, vì vậy bạn hãy cố gắng liên hệ với nhà cung cấp nhanh nhất có thể để đơn hàng được chuyển đi nhanh chóng.
Bước 5: Theo dõi đơn hàng
Sau khi đơn hàng đã được xử lý và chuyển đi, bạn cần theo dõi lộ trình giao hàng để có thể xử lý nhanh gọn những vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển và có thể chăm sóc khách hàng của bạn tốt hơn.
Bước 6: Tổng kết số liệu và tính toán lợi nhuận
Bước này giúp bạn có thể nhìn thấy cụ thể về kết quả kinh doanh của mình. Sau khi thống kê những con số về doanh thu, lợi nhuận, chi phí bạn cần cân nhắc và điều chỉnh kế hoạch phù hợp để công việc của mình đạt hiệu quả cao hơn.